Chung kết EURO 2016, Pháp - Bồ Đào Nha: Sự đền bù của số phận Denbu
Chung kết EURO 2016, Pháp - Bồ Đào Nha: Sự đền bù của số phận
EURO 2016 đang chứng kiến sự đảo chiều của bánh xe lịch sử. Và liệu ở trận chung kết, một lần nữa lịch sử có đảo chiều theo hướng có lợi cho Bồ Đào Nha?
Lịch sử luôn đúng, cho đến khi nó... không còn đúng nữa. Trước giải đấu này, Đức chưa từng đánh bại được Italia trong những trận đấu chính thức. Rốt cục thì tuy vất vả, họ vẫn loại được người Ý ở tứ kết. Rồi đến bán kết, Đức lại đóng vai chính trong một cuộc đảo chiều khác của bánh xe lịch sử, khi họ để thua Pháp, đối thủ vẫn luôn bại trận trước họ ở những giải đấu chính thức trước kia.

Vậy thì bây giờ, biết đâu một Bồ Đào Nha vẫn luôn thua tức tưởi Pháp lại có nụ cười cuối cùng? Có thể, bởi EURO 2016 đang chứng kiến rất nhiều câu chuyện điên rồ như thế. Bóng đá thỉnh thoảng vẫn có sự... đền bù. Ở đây là đền bù cho Bồ Đào Nha chức vô địch mà họ đã đánh mất ở EURO 2004, giải đấu mà họ đăng cai và thúc thủ trước Hy Lạp ở chung kết. 

Năm ấy, thế hệ vàng của Bồ Đào Nha đã chơi một giải đấu tưng bừng dưới sự dẫn dắt của HLV Luiz Filipe Scolari, rốt cục lại nhận trái đắng trước Hy Lạp ở chung kết. Bây giờ, con đường mà họ đi đâu có khác gì Hy Lạp của 12 năm trước. Họ cũng có một hàng thủ cực kỳ kín kẽ và một triết lý bóng đá vô cùng thực dụng. Trận chung kết, họ cũng phải đối đầu với một đội chủ nhà.

Nước mắt của Cristiano Ronaldo 12 năm trước là một khoảnh khắc đáng nhớ. Ngày ấy, CR7 mới 19 tuổi, không ai biết sự nghiệp của anh sẽ trôi về đâu. Anh trẻ trung, ngổ ngáo giữa một dàn hảo thủ, từ Luis Figo, Deco cho đến Rui Costa. Bây giờ, CR7 đã vươn lên thành một ngôi sao lớn nhất trong thế hệ của anh, giữa những đồng đội không thật sự tên tuổi, hoặc những người chưa từng thi đấu đúng với kỳ vọng, dù đó là Ricardo Quaresma hay Nani.
EURO 2016 cũng đang chứng kiến một sự đánh đổi. Đức buộc phải đánh đổi thứ bản lĩnh kinh người của mình để hướng đến một lối chơi đẹp mắt hơn. Ngược lại, Bồ Đào Nha cũng phải hy sinh hoàn toàn lối chơi từng giúp họ có biệt danh “Brazil của châu Âu” để hướng đến hiệu quả tối đa. Trùng hợp thay, HLV của Bồ Đào Nha - Fernando Santos - cũng là cựu HLV của Hy Lạp!

Santos luôn mỉm cười khi có người chỉ trích lối chơi thực dụng của ông. Ông sống đủ lâu để biết trong cuộc sống, luôn phải có sự đánh đổi. Thế nên Santos bảo những lời chỉ trích với mình như.... tiếng nhạc vậy. 2 năm về trước, triều đại của Santos khởi đầu với một trận giao hữu với chính ĐT Pháp tại Stade de France. Ngày ấy, Santos đã nói với các học trò là ông muốn trở lại đây sau 2 năm nữa. 

Giờ thì mục tiêu ấy đã trở thành hiện thực. Ronaldo, chứng nhân của thất bại 12 năm trước, đứng trước cơ hội giành lại danh hiệu mà Bồ Đào Nha đã vuột mất. Bản thân Ronaldo cũng đã điều chỉnh tâm lý rất nhiều để tiến xa tại giải lần này. Một con người vẫn luôn vung tay, múa chân khi không được đồng đội hỗ trợ nay đã chơi một cách nhẫn nhịn hơn. Anh lên công về thủ, chạy không biết mệt mỏi, chắt chiu từng pha bóng trong kỳ EURO có thể là cuối cùng của mình.

Hành trình lột xác của Bồ Đào Nha cũng đi liền với hành trình trưởng thành của chính Ronaldo. Thành công xấu xí hay thất bại vĩ đại, Ronaldo và Bồ Đào Nha chọn vế đầu tiên!